Tàu chở lực lượng bộ đội đặc công cũng đã ra địa điểm nghi là hai máy bay chiến đấu Su-22M4 Việt Nam rơi, để làm nhiệm vụ dò tìm.
Tiếp tục cập nhật...
15h00 (17/4)
Tàu đánh cá của ngư dân Phú Quý có mặt tại hiện trường tai nạn Su-22 rơi, tham gia tìm kiếm cùng tàu của Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Thuận.
14h00 (17/4)
Theo thông tin của cơ quan chức năng, sau khi xác định vị trí 2 máy bay rơi sát nhau, phía nam Hòn Trứng (Phú Quý), nơi này đã bị phong tỏa hoàn toàn, cấm các tàu qua lại để cơ quan chức năng tiến hành tìm kiếm, cứu hộ.
Tàu chở lực lượng bộ đội đặc công cũng đã ra địa điểm nghi là máy bay rơi, để làm nhiệm vụ dò tìm.
13h00 (17/4)
Sau khi thay phiên nhau nghỉ ngơi, các tàu tham gia nhiệm vụ tìm kiếm hai chiếc Su-22 rơi tiếp tục ra soát, tìm kiếm. Máy bay trực thăng Mi-8 cũng có mặt tại hiện trường máy bay rơi để làm nhiệm vụ tìm kiếm.
Đại tá Nguyễn Ngọc Thoa - Phó chỉ huy trưởng phụ trách tham mưu tác chiến (Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Bình Thuận) cho biết, sáng cùng ngày, đoàn công tác của Bộ Quốc Phòng đã kiểm tra 3 thùng dầu được tàu 11.1901 trục vớt được.
Sau đó, các thùng dầu này được bàn giao cho Bộ đội Biên phòng tỉnh quản bảo. Sở chỉ huy tiền phương được thành lập để lên phương án và chỉ huy công tác tìm kiếm hai phi công Nghĩa và Tú cùng máy bay gặp nạn.
12h00 (17/4)
ông Tạ Minh Nhựt - Phó chủ tịch huyện Phú Quý cho biết, huyện đã chuẩn bị các phương án ứng cứu về y tế để phục vụ công tác tìm kiếm.
"Hiện Bệnh viện Quân dân Phú Quý đã chuẩn bị sẵn thuốc, cơ sở hạ tầng, thiết bị và bác sĩ giỏi để đảm bảo công tác cấp cứu", ông Nhựt nói.
Cũng theo ông phó chủ tịch huyện đảo, các bác sĩ và cán bộ bệnh viện, các ngành chức năng của huyện túc trực 24/24 để phục vụ đội tìm kiếm cứu nạn.
11h40 (17/4)
Đại tá Ngô Ngọc Thu - Phó Tư lệnh kiêm tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, đã điều động máy bay Casa 212 tham gia tìm kiếm, dưới sự chỉ huy của đoàn công tác Bộ Quốc phòng.
Casa 212 được mệnh danh là "mắt thần biển Đông", được trang bị hệ thống tuần thám biển MSS 6000. Với cảm biến SLAR hoặc FLIR, Casa 212 400 có thể giúp quan sát các vật thể lạ trên mặt biển một cách rõ ràng và chính xác hơn so với quan sát bằng mắt thường.
Hai chiếc Casa 212 và 400 từng tham gia tìm kiếm chiếc MH370 của Malaysia vào tháng 3/2013. Theo các cơ quan chức năng, lực lượng tìm kiếm đang triển khai quanh khu vực được xác định 2 phi công nhảy dù tại tọa độ 13,626 kinh độ bắc, 108,505 kinh độ đông.
Ông Nguyễn Hùng Tân - Chánh văn phòng Ủy ban PCLB và TKCN tỉnh Bình Thuận cho biết, lực lượng tại khu vực nghi máy bay Su-22 gặp nạn gồm có máy bay quân sự của Sư đoàn 370, tàu CSB 2009, tàu 11.1901 của Biên phòng tỉnh và lực lượng đặc công nước đang phối hợp tìm kiếm, cứu nạn.
10h40 (17/4)
Ông Nguyễn Hùng Tân, Chánh văn phòng Ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bình Thuận, cho biết đã xác định được vị trí hai máy bay rơi.
Lực lượng chức năng đã ra thông báo cho 215 tàu cá đang hoạt động tại khu vực này cùng tìm kiếm. Tổng chỉ huy tìm kiếm trên biển hiện nay là thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không không quân.
10h30 (17/4)
Máy bay chở đoàn công tác của Bộ Quốc phòng vừa đáp xuống đảo Phú Quý để chỉ đạo công tác tìm cứu cứu nạn hai máy bay rơi. Trước tiên, đoàn công tác đã kiểm tra ba thùng dầu của mà tàu cứu hộ của biên phòng Bình Thuận vừa vớt được hôm qua.
Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng đang tiến hành thương thảo với một tàu lặn chuyên nghiệp của ngư dân trên đảo để đưa các thợ lặn này ra vị trí máy bay rơi tìm kiếm. Tàu lặn được chọn để thuê là tàu của ông Nguyễn Đức, trú ở xã Long Hải, huyện đảo Phú Quý.
10h00 (17/4)
Công tác tìm kiếm, cứu hộ đang tập trung dồn về một khu vực trên biển cách Phú Quý khoảng 6,5 hải lý và cách đất liền (TP.Phan Thiết, Bình Thuận) khoảng 37 hải lý. Tàu BP-11-19-01 của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận đã có mặt tại điểm phát hiện vết dầu loang và tham gia tìm kiếm.
9h50 (17/4)
Hiện nay có 10 tàu cá tại đảo Phú Quý đang sẵn sàng tham gia tìm kiếm 2 phi công được cho là mất tích. Ngoài ra, tỉnh Bình Thuận cũng đã chuẩn bị mọi phương tiện cần thiết để tham gia hỗ trợ công tác cứu nạn khi được yêu cầu."Chúng tôi đã sẵn sàng trong bất cứ tình huống nào", ông Nguyễn Hùng Tân nói.
9h30 (17/4)
Lực lượng tham gia tìm kiếm, ngoài 4 tàu Kiểm như (KN-781, KN-782, KN-767, KN-833), còn có tàu CSB-2009, tàu cá của ngư dân và đặc biệt là tàu pháo - tên lửa 379 của Bộ tư lệnh Vùng 2 Hải quân.
9h00 (17/4)
Ông Nguyễn Hùng Tân - Chánh văn phòng Ủy ban PCLB-TKCN tỉnh Bình thuận cho biết, chiều tối 16/4, cán bộ trên tàu Biên phòng 11-1901 đã trục vớt được 3 thùng rỗng, nghi là thùng dầu của máy bay gặp nạn. Các thùng này có mùi dầu, mang số hiệu 5863, màu đỏ, đã được đưa về cảng Phú Quý.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, tại khu vực biển quanh đảo Phú Quý có gió cấp 3-4. Hiện công tác tìm kiếm, cứu hộ được Bộ Quốc phòng chỉ huy, điều phối.
8h24 (17/4)
Tàu CSB-2009 phát hiện vết dầu loang nhỏ cách hòn Đá Bé 3 km. Tọa độ phát hiện vết dầu loang là 10 độ 36 phút 2 giây kinh độ bắc; 108 độ 5 phút 04 giây vĩ độ đông.
8h20 (17/4)
Lực lượng tìm kiếm được tăng cường thêm tàu CSB-2009. Trước đó, 3 thùng dầu phụ được kéo từ hiện trường về đã được đưa ngay về bờ để phục vụ công tác điều tra.
Sáng ngày 17/4
Các máy bay của trung đoàn không quân 937 sẽ tiếp tục cất cánh từ sân bay quân sự Thành Sơn tại TP Phan Rang Tháp Chàm (Ninh Thuận) để tiếp tục phối hợp với các lực lượng tìm kiếm 2 chiếc máy bay Su-22 và hai phi công mất tích.
Để mở rộng và khẩn trương cứu hộ, cứu nạn hai máy bay Su-22 mất liên lạc, các tàu hải quân và cảnh sát biển sẽ được huy động đến hiện trường.
Ngoài ra, lực lượng biên phòng cũng đã thông báo cho các tàu cá hoạt động gần khu vực máy bay gặp nạn nếu thấy các dấu vết bất thường sẽ khẩn trương thông báo lại qua hệ thống điện đàm I-com.
Tối ngày 16/4
Theo ông Tạ Minh Nhựt - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quý, do trời tối, tầm nhìn trên biển hạn chế nên công tác tìm kiếm phải tạm dừng.
"Sau khi xảy ra sự cố, một trực thăng, một tàu đã được điều động ra hiện trường triển khai công tác tìm kiếm. Ngoài ra, chúng tôi kêu gọi các tàu cá hoạt động trong khu vực tham gia tìm kiếm", ông Nhựt cho hay.
Phó Chủ tịch huyện Phú Quý cho biết, ngoài các bình dầu phụ trôi nổi và vết dầu loang trên biển được phát hiện từ trước đó, đến thời điểm hiện tại, chưa phát hiện thêm một dấu vết nào khác liên quan đến sự cố này.
Cũng theo ông Nhựt, chỉ huy Sư đoàn Không quân 370 cũng đã có mặt tại đảo Phú Quý phối hợp với địa phương chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn.
Trước đó, vào 11h45 phút ngày 16/4, hai máy bay Su-22 của Trung đoàn 937, thuộc Sư đoàn 370 (Quân chủng Phòng không - Không quân) bay huấn luyện, bài bay công kích, bổ nhào, cơ động phức tạp, đường bay Phan Rang - Mũi Rinh, Phú Quý, Bình Thuận đã bị mất liên lạc với Sở Chỉ huy.
Ngay sau khi mất liên lạc, Sư đoàn Không quân 370 đã điều máy bay Mi-171 của Trung đoàn 917 tìm kiếm cứu nạn.
Lúc 14h50 phút cùng ngày (16/4), máy bay tìm kiếm đã phát hiện tại vùng biển có tọa độ 10 độ, 36 phút, 36 giây vĩ Bắc; 108 độ, 51 phút, 30 giây kinh Đông có 4 bình dầu phụ trôi nổi và vết dầu loang trên biển.
Hai phi công gặp nạn gồm:
- Phi công Lê Văn Nghĩa (phi công cấp 1), lái máy bay Su-22, số hiệu 5857, cấp bậc Trung tá, chức vụ Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 937, Sư đoàn 370.
- Phi công Nguyễn Anh Tú (phi công cấp 3) điều khiển máy bay Su-22, số hiệu 5863, cấp bậc Đại úy, Phi đội phó Phi đội 1, Trung đoàn 937, Sư đoàn 370.
0 Nhận xét