Giữa lòng Thủ đô giàu có là 'khu ổ chuột' với những căn nhà, túp lều bé tí, lụp xụp. Đây là nơi trú ẩn của những người lao động nghèo đằng sau bến xe Mỹ Đình (Hà Nội).
Nằm ngay sau bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) và được mệnh danh là 'khu ổ chuột', khu dân cư số 2 - phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy, Hà Nội) gồm nhiều dãy nhà xập xệ, cũ nát. Đây là nơi những người lao động nghèo tá túc và sinh sống ngày qua ngày.
Họ là những người dân lao động tỉnh lẻ như Bắc Giang, Hà Nam, Hưng Yên, Thanh Hóa... tập trung về đây để kiếm sống. Vì không có bằng cấp nên công việc chính của những người này chủ yếu là bốc vác, nhặt rác, gánh hàng rong...
Họ chọn cho mình con đường mưu sinh tại khu vực bến xe và làm tất cả mọi công việc nặng nhọc, vất vả, chủ yếu vào ban đêm như: khuân vác, kéo xe, gánh hàng… để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống bản thân và gia đình ở quê.
Họ phải sống trong khu nhà trọ chật chội tập hợp thành 'xóm bụi' thiếu thốn đủ bề, phải im lặng và chịu đựng trước các bạo lực của xã hội, bị coi thường, khinh rẻ, bớt tiền công…
Ảnh minh họa
Bán hàng ở khu vực Cầu Giấy đã nhiều năm nay, cứ gần tối chị Đồng Thị Diên bày biện đủ thứ từ ngô luộc, khoai, xúc xích rán, bánh mỳ pate để đi rao khắp nơi. Tất cả đều được xếp gọn gàng và che chắn cẩn thận để tránh khói xe và bụi đường.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Diên cho biết, quê gốc chị ở Thái Bình và lên Hà Nội đã được 4 năm. Chồng chị mất sớm, tự thấy làm ruộng quanh năm không đủ nuôi con ăn học, chị đành để hai đứa con lại cho bà ngoại chăm sóc rồi một thân một mình lên đất Thủ đô kiếm tiền với nghề bán ngô, bánh mỳ ban đêm.
Công việc vất vả, sau một ngày nhọc nhằn nhưng chị Diên chỉ chi tiêu rất tằn tiện, ăn uống qua quýt cho đủ bữa với cơm, canh đạm bạc.
Theo lời chị Diên, ngày nào chị cũng cố bán hết hàng rồi mới đạp xe về căn phòng chật hẹp thuê chung cùng mấy người bạn với giá 500.000 đồng/tháng.
Bám trụ Thủ đô nuôi con ăn học
Mỗi gánh hàng rong là một số phận, mảnh đời nghèo khổ
Dáng người nhỏ bé nhưng gương mặt lại già dặn vì sương gió, lau từng hạt mưa đọng lại trên mặt, chị Lý (Kim Bảng, Hà Nam) khiến cho người đối diện cảm nhận được sự vất vả của gánh hàng rong.
Chị tâm sự, là phụ nữ ai chẳng muốn ăn ngon, mặc đẹp, làm việc trong môi trường sạch sẽ, mát mẻ. Vì hoàn cảnh nên đành chịu, không thể đổ lỗi cho số phận. Chỉ mong sao các con hiểu được sự vất vả của mẹ, cố gắng chăm chỉ học hành để sau này có việc làm ổn định.
Từ ngày đi bán hàng, mỗi tháng chị Lý tích góp được từ 2 - 3 triệu đồng gửi về quê lo cho các con ăn học.
'Những ngày đầu mới đi làm, quang gánh trên vai đi khắp Hà Nội, đêm về đau nhức khắp người. Nắng cháy, mưa dầm cũng không quản chỉ cần có thêm tiền gửi về cho mấy đứa con ăn học ở quê, vất vả bao nhiêu tôi cũng cam lòng', chị Lý nói.
Khuôn mặt rám nắng và trong chiếc áo xanh công nhân đã sờn màu vì nắng mưa, chị Hoa không nhớ rõ đã làm công việc này từ khi nào.
Đằng sau nụ cười của chị có lẽ ít ai biết rằng trên vai chị là cả gánh nặng gia đình. Chồng bị bệnh không làm gì được, mọi chuyện lớn nhỏ trong gia đình đều do chị 'đứng mũi chịu sào'.
Chị kể nhiều khi con cái động viện mẹ cố gắng thêm mấy năm đến khi các con ra trường thì đỡ vất vả. Nhưng khi chị trêu các con không biết có sống được đến lúc đấy không thì cô con gái út chỉ biết khóc.
Sống tạm bợ, thu vén gửi về quê
Một góc 'khu ổ chuột' nơi sinh sống của hàng trăm người lao động nghèo ngoại tỉnh
Tại xóm nhỏ sau lũy tre này, đời sống của họ hết sức tạm bợ. Nhà ở được che chắn bằng những miếng gỗ, ghép lại thành 4 'bức tường'; bên trên lợp mái tôn. Nhà chỉ cao 2 - 2,5m nên trưa hè nóng bức, nếu có bật quạt số to nhất cũng không thể ngủ được.
Vậy mà, 'giá một phòng từ 500.000 - 600.000 đồng, điện 5.000 đồng một số, nước phải đi mua từng chai 20 lít về để ăn uống, còn nước sinh hoạt anh em tự đào giếng để dùng', chị Mẫn - thành viên đại gia đình 7 người sinh sống ở đây, chia sẻ.
Cuộc sống vất vả nhưng họ cần cù chịu khó, tiết kiệm từng đồng để gửi tiền về quê cho con cái và bố mẹ già chi tiêu, ăn, học.
Căn nhà' 7 người sống của chị Mẫn
Niềm tin trong nỗi vất vả
Những tưởng cuộc sống bất công đeo đẳng số phận sẽ làm cho con người ta mất dần đi niềm tin vào cuộc sống, bào mòn đi những giá trị tốt đẹp trong mỗi con người nhưng trên tất cả, bản chất chân quê trong họ vẫn không hề bị mất đi.
Chị Bùi Thị Khoan (53 tuổi) chia sẻ: 'Chả muốn gì, giờ chỉ muốn sức khỏe thôi bây giờ tôi đau dọc hết người. Đau lắm, cúi xuống gẩy than xì mà gượng không cúi được.
Bây giờ già rồi muốn ở nhà trông cửa trông cháu chứ chả muốn đi thế này vất vả lắm, đi này không nhàn đâu. Người ta bảo thứ nhất bỏ quê cha, thứ hai gánh vác, thứ ba săn rừng đi bộ suốt ngày thế này mỏi mệt lắm rời rã chân tay ra'.
Chị Hoa thì chỉ có một mong muốn duy nhất: 'Chỉ cần sức khỏe không cần khỏe lắm làm gì cứ bình thường như thế này là được rồi. Còn ốm thì không ốm cầu trời khấn Phật ơn nhờ bề trên cho lai dai như thế này vậy để đi làm, vào đây thì mong là các ông ấy đừng có đuổi'.
Làm việc trong đêm tối nhưng niềm tin trong những người lao động nghèo này luôn được thắp sáng. Họ vẫn luôn tin điều tốt đẹp sẽ đến với người làm ăn lương thiện.
Những cuộc đời vẫn lặng thầm mưu sinh. Giá lạnh, nắng nôi với họ cũng chỉ là chuyện nhỏ, bởi cơm áo và đàn con ở quê mới là điều đáng nghĩ!
0 Nhận xét