1. Hôm nay (7/9), hàng triệu học sinh trên cả nước chính thức bước vào năm học mới 2015 - 2016 sau khi diễn ra lễ khai giảng hôm 5/9/2015 - một lễ khai giảng gọn nhẹ và lấy học sinh làm mục tiêu như lời chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Nhắc tới Phó Thủ tướng, nhiều người trẻ yêu mến sự giản dị, gần gũivà ấn tượng với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với trang Fanpage - Trang facebook của những người luôn yêu mến ông với 14.225 like.
Hay Hội những người yêu quý Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gần 3.000 like với nhiều bài viết được góp nhặt từ trên các trang tin điện tử về sự quan tâm sâu sát của ông với các ngành, lĩnh vực khác nhau.
Nhắc tới ông, chúng ta hẳn cũng không thể nào quên hình ảnh một Phó Thủ tướng ăn mặc giản dị, trèo đèo, lội suối cùng kíp truyền hình Mỹ vào hang Sơn Đoòng (Quảng Bình) để trả lời phỏng vấn trước 6 triệu khán giả quốc tế, quảng bá cho du lịch Việt Nam chiếm được cảm tình của đông đảo người dân.
Chắc hẳn các bạn trẻ cũng không thể quên hình ảnh "một thanh niên" Vũ Đức Đam trong màu áo xanh tình nguyện hòa mình cùng các bạn sinh viên trong không khí hào hùng của chương trình Tự hào Tổ quốc tôi vừa qua.
Hay như khi một mình ông tách ra khỏi đoàn đại biểu tham dự khai mạc Triển lãm 70 năm thành tựu Kinh tế - Xã hội tại Triển lãm Giảng Võ đi đến các gian hàng gặp gỡ, trao đổi và động viên đội ngũ cán bộ của các ngành.
![vu-duc-dam-tu-hao-to-quoc](http://media.tintuc.vn/uploads/medias/2015/09/07/550x500/vu-duc-dam-tu-hao-to-quoc-bb-baaacgVWH9.jpg)
Chúng ta càng không thể nào quên hình ảnh một người đàn ông đội mũ lưỡi trai, mặc áo gió, dáng người mảnh khảnh, bước đi nhanh thoăn thoắt “vi hành”bệnh viện chỉ ít ngày sau khi ông nhậm chức vào cuối tháng 11/2014.
Nhân vật kể lại câu chuyện “lần đầu được gặp VIP, không báo chí hay quan chức tiếp đón” (đăng trên diễn đàn bacsinoitru.vn) cho biết, Phó Thủ tướng “ra cổng sau, nhẹ nhàng lách qua cửa sắt khép hờ, đi vào khu chụp cộng hưởng từ”.
![pttg-vu-duc-dam-vi-hanh-benh-vien](http://media.tintuc.vn/uploads/medias/2015/09/07/550x500/pttg-vu-duc-dam-vi-hanh-benh-vien-bb-baaadAs7dn.jpg)
![pttg-vu-duc-dam-vi-hanh-benh-vien2](http://media.tintuc.vn/uploads/medias/2015/09/07/550x500/pttg-vu-duc-dam-vi-hanh-benh-vien2-bb-baaacny9uO.jpg)
Ở đó, ông gặp một bệnh nhân đang nằm sấp trên cáng. Ông hỏi chuyện họ, nhưng họ chẳng biết ông là ai. Rồi khi có một chiếc cáng được đẩy vào, ông cũng bám tay vào đẩy chiếc cáng… Câu chuyện “vô tình gặp VIP” cùng những lời mô tả giản dị, nhẹ nhàng của bạn trẻ này đã khắc họa phần nào phẩm chất, con người một chính khách nổi tiếng.
2. Còn nhớ, vào khoảng gần cuối năm 2011, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng từng đội mũ cối lụp xụp, ăn mặc tuềnh toàng lên xe buýt vài lần. Hay tháng 3/2013, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lương Ngọc Bính một mình “vi hành” các quán cà phê và chỉ trong nửa buổi sáng, ông đã “tóm” được tới 15 cán bộ sở, ngành bỏ công sở la cà và chấn chỉnh được kỷ cương công sở ở Quảng Bình.
Rồi trong vai một người lái xe, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam - Nguyễn Minh Cương đã tới các trạm đăng kiểm và phát hiện hàng loạt sai phạm, 5 cán bộ bị đình chỉ công tác, v.v… và v.vv…
Kể ra những câu chuyện nói trên để thấy việc “vi hành” của các cán bộ lãnh đạo, nhất là Bộ trưởng, Thứ trưởng, Bí thư Thành ủy, hay Bí thư Tỉnh ủy cũng không phải là câu chuyện quá xa lạ ở nước ta. Thế nhưng, hình ảnh Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam “giấu mình” đi vi hành ở bệnh viện vẫn để lại trong lòng nhiều người một ấn tượng vô cùng tốt đẹp bởi sự giản dị và gần gũi của ông.
Xưa, các vị vua thường vi hành để có thể trực tiếp nhìn thấy và thấu hiểu cuộc sống của người dân, thay vì chỉ “chứng kiến” qua tấu biểu các quan dâng cho. Chẳng hạn, vua Thuấn, “vì muốn đích thân tai nghe mắt thấy dân có bằng lòng mình không, nên cải trang làm dân cày đi dò la khắp xứ”. Rồi vua Pie nước Nga đi làm thợ và đến làm việc ở các công trường nước Anh (Vi hành - Nguyễn Ái Quốc). Hay để bài trừ tham nhũng, vua Lê Thánh Tông nhiều lần cải trang thành những người lao động nghèo khổ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nhiều lần “vi hành”. Khi thì Người trong bộ đồ áo the khăn xếp (mượn của cụ Tôn Đức Thắng) đi đón giao thừa cùng nhân dân. Thậm chí Người còn ra biển kéo lưới cùng các lão ngư để “mục sở thị” đời sống bà con vùng biển sau khi xuống một hợp tác xã, hỏi ngư dân trên hội trường ai cũng nói “ơn Đảng, ơn Chính phủ, đời sống “sung sướng lắm”.
Và điều bất ngờ xảy ra, “khi thấy ông già nọ tâm đầu ý hợp”, một lão ngư “vô tư” tông tốc “tố” ban chủ nhiệm hợp tác xã ngư nghiệp tính toán công điểm không sòng phẳng, làm ăn thiếu bàn bạc dân chủ, bao che sai phạm…
3. Nhiều người vẫn nói, để đánh giá một con người, đặc biệt là một lãnh đạo cấp cao của Nhà nước, người ta không căn cứ vào lời nói mà căn cứ vào những việc làm, những quyết sách vị lãnh đạo đó đưa ra có lợi cho dân ra sao và kết quả thực tế như thế nào.
![pttg-vu-duc-dam-khai-giang](http://media.tintuc.vn/uploads/medias/2015/09/07/550x500/pttg-vu-duc-dam-khai-giang-bb-baaadcCb63.jpg)
Đơn cử như câu chuyện mới nhất về một vị Phó Thủ tướng - được lòng giới trẻ, hẳn chúng ta không thể không ghi nhận lễ khai giảng đặc biệt trên quy mô quốc gia vừa diễn ra.
Như lời khẳng định của Phó Thủ tướng tại “Hội nghị tổng kết năm học 2014 - 2015 và triển khai nhiệm vụ năm học 2015 - 2016 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên” do Bộ GD-ĐT tổ chức sáng 12/8 tại Hà Nội, mục tiêu cuối cùng của giáo dục đó là “dạy tốt, học tốt”, thực sự vì học sinh.
Theo đó, buổi khai giảng được “tối giản”, rút gọn, chỉ làm đúng nghi lễ cần thiết, nhất định không để cảnh các cháu đội nắng, xếp hàng vẫy cờ đợi lãnh đạo, phải lắng nghe những bài phát biểu dài dòng của lãnh đạo mà các cháu không hiểu gì cả.
Và những gì chính những bậc phụ huynh, các em học sinh đã chứng kiến, đã trải nghiệm trong lễ khai giảng quốc gia chào mừng năm học mới 2015 - 2016 vừa qua.
Có đi thì mới thấy tỏ lòng. Đó thực sự là một minh chứng: Những quyết sách được định ra sẽ chính xác hơn nhiều khi người có quyền ra quyết sách thực sự gần dân, thấu hiểu lòng dân.
0 Nhận xét