Ngày 25/8, giới thạo tin cho biết, khi tới thăm Malaysia, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian sẽ thảo luận việc bán một trong hai tàu sân bay Mistral cho nước này bởi thông tin này đã được trang tin điện tử "latribune.fr" đăng tải trước đó.
Cũng trong ngày 25/8, Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng xác nhận, có một số khách hàng tiềm năng muốn mua 2 tàu sân bay Mistral của nước này. Tin này xuất hiện sau khi tờ Straits Times cho biết (23/8), Malaysia dự định đặt tên và cấp giấy chứng nhận cho các đảo không có người sinh sống, cũng như các rạn san hô và thực thể khác theo quyền tài phán của nước này. Theo đó, Kuala Lumpur sẽ đặt tên và cấp giấy chứng nhận cho 535 hòn đảo để tạo cơ sở cho Malaysia tuyên bố chủ quyền và quản lý các nguồn tài nguyên kinh tế ở đó.
Theo Bộ điều tra và lập bản đồ Malaysia, Kuala Lumpur có 879 đảo và hiện 535 đảo đá chưa được đặt tên. Và động thái này diễn ra trong bối cảnh một số nước trong khu vực đang lo ngại Trung Quốc tăng cường áp đặt yêu sách với phần lớn Biển Đông. Theo giới truyền thông, Malaysia đang có tranh chấp chủ quyền đối với một số đảo ở khu vực Biển Đông với Trung Quốc và Philippines.
Tạp chí Sea Power (Mỹ) từng đưa tin, Malaysia đã cho phép Mỹ sử dụng căn cứ trên đảo Borneo để bố trí các phi đội máy bay tuần tra hàng hải P-8A Poseidon. Đô đốc Jonathan Greenert cũng từng tuyên bố, Mỹ cần nắm cơ hội này để triển khai máy bay tuần tra Biển Đông.Trước đó, tờ Tín báo (Hongkong) dẫn chỉ trích của Lam Choong Wah, chuyên viên cao cấp của Viện nghiên cứu Yiteng có trụ sở tại Kuala Lumpur trước việc Bắc Kinh tuyên bố Biển Đông là lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc, bởi đây là điều các nước Đông Nam Á không thể chấp nhận. Cùng quan điểm với chuyên viên Lam Choong Wah, Phó viện trưởng Học viện Khoa học xã hội, Đại học Sarawak Malaysia, Tiến sĩ Ahmad Nizar Yaakub cũng chỉ rõ, Trung Quốc bao biện về cái gọi là “chứng cứ lịch sử” bởi các nước hữu quan không chấp nhận cách giải thích về “đường lưỡi bò” do Bắc Kinh tự vẽ ra.
Trong khi đó, Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng Malaysia Datuk Seri Shahidan Kassim tiếp tục phản đối về sự xâm phạm của các tàu tuần duyên Trung Quốc tại vùng biển Malaysia ở đảo Beting Patinggi Ali, ngoài khơi bờ biển Sarawak. Trong khi đảo Beting Patinggi Ali cách Trung Quốc tới 2.000km, và chỉ cách bờ biển Miri của Malaysia chưa đầy 170km. Theo ông Datuk Seri Shahidan Kassim, tàu Trung Quốc đã xâm phạm vùng biển Malaysia hơn 2 năm qua và nước này chưa bao giờ nhận được bất cứ thông báo chính thức nào từ Bắc Kinh.
Trước đó (tháng 6/2015), Kuala Lumpur từng công khai phản đối tàu thuộc Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc xâm nhập trái phép vùng lãnh hải của Malaysia ở phía bắc Borneo. Và ông Datuk Seri Shahidan Kassim cùng các sỹ quan cao cấp của hải quân Malaysia đã thực hiện một cuộc giám sát trên không nhằm chống lại sự xâm nhập của tàu thuyền Trung Quốc tại Beting Patinggi Ali.
Theo giới truyền thông, giữa Malaysia và Trung Quốc đã xuất hiện căng thẳng bởi sự xuất hiện của tàu hải giám tại vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này. Tư lệnh hải quân Malaysia Abdul Aziz Jaafar đã bày tỏ quan ngại về những vụ việc kể trên, đồng thời khẳng định các lực lượng của nước này đang theo dõi sát để có ứng phó kịp thời. Tư lệnh Abdul Aziz Jaafar thừa nhận, kể từ tháng 9/2014, các vụ tàu thuyền Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Malaysia đã gia tăng. Trong khi đó, Bộ trưởng An ninh Quốc gia Malaysia Shahidan Kassim tái khẳng định, bãi Luconia nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này và nếu Bắc Kinh tiếp tục có những hành vi vi phạm, Thủ tướng Najib Rarak sẽ có kiến nghị trực tiếp với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tàu sân bay trực thăng Mistral |
Thứ trưởng Ngoại giao Malaysia Hamzah Zainuddin cũng tuyên bố (sau khẳng định của Bộ trưởng An ninh quốc gia Shahidan Kassim), Malaysia và các quốc gia ASEAN không công nhận những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông vì không phù hợp với luật pháp quốc tế. Đồng thời khẳng định, tuyên bố chủ quyền dựa theo “đường lưỡi bò” của Trung Quốc không phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Ngoài ra, ông Hamzah Zainuddin cũng nhắc lại lập trường của Malaysia - vấn đề tranh chấp biên giới, biển đảo phải được giải quyết hòa bình, thông qua đàm phán dựa trên luật pháp quốc tế.
Dư luận khá bất ngờ trước việc phản đối Trung Quốc mà Malaysia vừa tiến hành. Theo nhận định của ông Murray Hiebert, Phó giám đốc và cũng là chuyên gia nghiên cứu cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại Mỹ, Malaysia đang rất quan ngại về các động thái của Trung Quốc, đặc biệt là việc Trung Quốc tiến sâu về phía Nam và tiến hành nhiều hoạt động ở bãi cạn James ngay ngoài khơi đảo Borneo của nước này. Tuy nhiên, ông Murray Hiebert cũng cho rằng, Malaysia vẫn cố gắng duy trì quan hệ tốt với Trung Quốc và không muốn phải đối đầu căng thẳng với Bắc Kinh.
Hãng Bernama từng đưa tin, Thủ tướng Najib Razak đã tiếp Phó thủ tướng Trung Quốc khi bà Lưu Diên Đông tham dự phiên họp thứ 128 của Ủy ban Olympic Quốc tế tại Kuala Lumpur (hạ tuần tháng 7), và tái khẳng định Chính phủ Malaysia sẽ nỗ lực hết sức để thực hiện Dự án Khu Công nghiệp Malaysia - Trung Quốc tại Kuantan ở bang Pahan, và Khu Công nghiệp Trung Quốc - Malaysia tại Khâm Châu, Quảng Tây.
Tại cuộc tham vấn thường niên Brunei - Malaysia ở Brunei hôm 11/8 (có Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah và Thủ tướng Malaysia Najib Rarak cùng dự), Brunei và Malaysia đã quyết định hợp tác khai thác tại 2 khu vực dầu khí CA1 và CA2 trên biên giới chung ở Biển Đông. Thủ tướng Najib Rarak cho biết, khai thác dầu khí sẽ được Malaysia và Brunei hợp tác trong khu vực có chồng lấn bởi vấn đề tranh chấp hàng hải đã được giải quyết. Từ năm 2009, Brunei và Malaysia đã trao đổi công hàm nhằm giải quyết dứt điểm các vấn đề biên giới trên biển, để thiết lập khu vực khai thác dầu khí chung và ấn định thể thức phân giới trên bộ.
Cũng trong ngày 11/8, tờ Sydney Morning Herald dẫn nhận định của Giáo sư Ross Babbage, nguyên cố vấn đặc biệt của Bộ Quốc phòng Australia, theo đó lần đầu tiên sau Chiến tranh thế giới thứ hai có khả năng sẽ xảy ra xung đột giữa các nước lớn ở Châu Á - Thái Bình Dương. Và quan ngại này xuất phát từ hoạt động xây đảo nhân tạo bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
|
Tuấn Quỳnh
0 Nhận xét