Tháng Bảy (âm lịch) là mùa Vu Lan, và rằm tháng Bảy cũng là ngày xá tội vong nhân (hay còn gọi là ngày cúng chúng sinh giúp cho những vong hồn còn lang bạt nơi trần gian chưa về được với cõi âm sẽ được siêu thoát).
Cận rằm tháng Bảy, nhiều gia đình tất bật mua sắm vàng mã, “đồ dùng” cho ông bà tổ tiên, những người đã khuất. Với quan niệm “trần sao âm vậy”, không ít người cố gắng “tìm kiếm” những vật phẩm lạ, đắt tiền để đốt cho ông bà tiên tổ dưới suối vàng không bị thiếu thốn, và do đó phù hộ độ trì cho con cháu làm ăn phát đạt, công thành danh toại.
Ngoài cúng chúng sinh, đốt vàng mã, thì phóng sinh chim, cá… cũng là một việc đáng lưu ý trong lễ xá tội vong nhân.
Để hiểu rõ về tục đốt vàng mã và tục phóng sinh trong dịp lễ Vu Lan, rằm tháng Bảy, và cách thức thực hiện sao cho đúng, PV đã có cuộc trao đổi với Thượng tọa Thích Thọ Lạc - Phó ban Văn hoá Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về vấn đề này.
Đạo Phật không có đốt vàng mã
Thượng tọa Thích Thọ Lạc cho biết, trong hệ thống kinh điển của nhà Phật không có điều nào dạy phật tử đốt vàng mã để cầu siêu độ cho cha mẹ, tiên tổ. Cần phải khẳng định rằng, tục đốt vàng mã không phải xuất phát điểm của Phật giáo, không phải truyền thống tín ngưỡng của Phật giáo, mà là từ Đạo giáo của Trung Quốc, sau này do ảnh hưởng văn hóa nên du nhập vào Việt Nam.

“Đạo Phật chỉ dạy cho chúng ta con đường giác ngộ, con đường hướng thiện, con đường hiểu biết và thương yêu, thực hiện sao cho tốt với luật nhân quả, đúng đạo đức xã hôi. Đức Phật không phải là Thượng đế có quyền ban phúc giáng họa cho ai cả. Ai gieo nhân nào sẽ gặt quả đó, làm điều thiện sẽ được quả thiện, còn làm điều ác sẽ chịu quả báo ác”- Thượng tọa Thích Thọ Lạc giải thích.
Xã hội càng phát triển, cuộc sống của nhiều người bớt khó khăn và trở nên sung túc hơn, dư giả hơn. Theo đó, bên cạnh mâm cao cỗ đầy được cúng cho ông bà, tiên tổ trong dịp lễ, Tết, giỗ chạp, và đặc biệt dịp rằm tháng Bảy, các gia đình cũng cố gắng sắm sửa cho đủ, nhiều, thậm chí tốn không ít tiền cho đồ hàng mã.
Đi kèm trong các bộ đồ hàng mã đốt cho ông bà, tiên tổ thường có ngựa. Kích thước của ngựa cũng tăng dần theo khả năng tài chính của từng gia đình. Thượng tọa Thích Thọ Lạc cho biết, việc này xuất phát từ việc các vị quan chức, thần linh ngày xưa không có xe phải đi ngựa. Và do đó, việc đốt ngựa cũng được xem như là gửi phương tiện cho các vị quan dưới âm đi lại.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc đốt ngựa cũng như các đồ hàng mã khác nhằm cung tiến, cúng dường cho các vị thần, vị thánh, để các vị vui mừng, hoan hỉ phù hộ cho gia đình, cho con cháu thăng quan tiến chức và có nhiều tài lộc.
Việc đốt vàng mã không chỉ trong những ngày này mà còn nhiều dịp khác không chỉ gây lãng phí mà còn có thể gây ô nhiễm môi trường, thậm chí cháy nổ, gây hỏa hoạn, và có thể nguy hiểm đến tính mạng con người.
Phóng sinh không đúng là tạo nghiệt cho người khác
Về tục phóng sinh, làm thế nào để cho đúng với tinh thần Phật giáo, Thượng tọa Thích Thọ Lạc cho biết, đây là một việc làm đạo Phật khuyến khích, là một trong năm giới Đức Phật đề cao và luôn dạy đệ tử, đó là giới không sát sinh: tôn trọng mạng sống của con người và của các loài động vật. Đặc biệt, nếu như có cơ hội được phóng sinh thì điều này cũng thể hiện đúng tinh thần từ bi của đạo Phật.
Theo quan điểm của đạo Phật, phóng sinh phải xuất phát từ lòng từ bi, từ tình thương yêu, vì sự sống của chúng sinh chứ không phải vì lợi ích của bản thân. Phóng sinh phải xuất phát từ tâm chứ không phải vì theo phòng trào.
Thượng tọa Thích Thọ Lạc khuyên, để tránh loài phóng sinh (các loại chim, cá, cua, ốc...) bị đánh bắt lại, không nên mua nhiều lần ở cùng một người, một địa điểm. Gặp con gì thì mua con đó, không phân biệt nhiều hay ít, lớn hay nhỏ mà tùy tâm, thành tâm.
Tuy nhiên, Thượng tọa cho rằng, “gần đây có một số đạo hữu phật tử chưa hiểu sâu tinh thần phóng sinh của đạo Phật và tinh thần từ bi của đạo Phật, nhiều khi vô hình chung tạo nên cơ hội để những người khác làm điều bất thiện. Chẳng hạn đặt người đi bắt cá rồi người đi bắt chim bán cho mình để đi phóng sinh là hoàn toàn không đúng với tinh thần của Phật giáo”. Như vậy, thay vì "tôn trọng mạng sống của các loài động vật" thì chúng ta lại đang làm một điều ngược lại?
Chẳng hạn, việc đi ra chợ thấy chim, cá, chúng ta lấy tiền trao đổi mua lại sinh mạng đó rồi đem đi phóng sinh thì đó là việc làm đúng, chính xác. “Còn nếu như đặt trước những người khác đi bắt chim, bắt cá, bắt ốc để chúng ta đi phóng sinh thì hoàn toàn trái với tinh thần từ bi, và vô hình chung gây cho người khác nghiệt và điều này không đúng với tinh thần phóng sinh của đạo Phật”, Phó ban Văn hoá Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam lưu ý.
Bên cạnh đó, cần lưu ý chọn địa điểm sao cho các loài được phóng sinh có thể sống lâu dài (môi trường không bị ô nhiễm, không có nguy cơ bị đánh bắt trở lại). Khi phóng sinh thì không nên cầm cả xô hay túi vứt ra ao, hồ, sông, suối. Đối với các loài cá, tôm, cua, ốc, thả nhẹ nhàng và chờ chúng bơi đi "an toàn". Các loài chim thú cũng tương tự như vậy.
Theo Thượng tọa Thích Thọ Lạc, trong mùa Vu Lan báo hiếu, mỗi người nên làm nhiều điều phúc thiện như phóng sinh, chia sẻ cho người không may mắn, để hồi hướng tiên tổ ông bà đã khuất, cha mẹ, và với người thân còn tại thế thì thể hiện sự tri ân, báo ân của người con.
Tuy nhiên,Thượng tọa cũng đặc biệt nhấn mạnh, làm điều thiện, báo hiếu cha mẹ không chỉ có dịp này, mà mỗi ngày chúng ta hãy thể hiện sự quan tâm đến mẹ cha, đến những người xung quanh bằng những việc làm cụ thể.
0 Nhận xét